Danh sách các trường Đại học sẽ sử dụng kết quả kỳ thi tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

 
 
Thi đánh giá tư duy Bách Khoa 2022

 
Theo thông tin từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đến ngày 6/12, có 7 trường đại học dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đại học năm 2022.

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Cụ thể, 7 trường đại học dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm
  1. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội,
  2. Trường Đại học Mỏ Địa chất,
  3. Trường Đại học Thủy lợi,
  4. Trường Đại học Giao thông Vận tải,
  5. Trường Đại học Công nghiệp Giao thông Vận tải,
  6. Trường Đại học Thăng Long và
  7. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Mỗi trường đại học sẽ có cách thức sử dụng kết quả thi vào xét tuyển đại học khác nhau. Kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được nhập lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lưu lại giống như Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, được xét đồng thời với các nguyện vọng khác. Do đó, kỳ thi đánh giá tư duy cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học như một phương thức riêng biệt.
 

CẤU TRÚC ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ TƯ DUY

Thời gian: 270 phút,
Bao gồm 3 phần là bắt buộc, tự chọn 1 và tự chọn 2.
Phần bắt buộc: môn Toán (90 phút) và Đọc hiểu (30 phút);
Phần tự chọn:
  • Lựa chọn 1: các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), thời gian làm bài 90 phút;
  • Lựa chọn 2: môn Tiếng Anh, thời gian làm bài 60 phút hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
 
Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần.

Trong đó, phần Đọc hiểu được nhà trường thông báo sẽ có từ 3 đến 4 bài luận thuộc chủ đề kỹ thuật công nghệ với 35 đến 40 câu hỏi trắc nghiệm, chiếm 5 điểm trong bài thi đánh giá tư duy.

Ở môn thi Toán, thí sinh sẽ phải trả lời 25 câu hỏi trắc nghiệm và tối đa 3 câu hỏi tự luận. Thang điểm dự kiến của môn thi này là 15. Chia sẻ trong buổi tư vấn tuyển sinh, PGS Nguyễn Phong Điền cho biết phần thi tự luận sẽ giúp các trường đại học đánh giá khả năng trình bày, phương pháp giải của thí sinh.

Đối với phần tự chọn 1, nhà trường công bố môn thi là Khoa học Tự nhiên với điểm số tối đa là 10 (tính theo một đầu điểm). Tham gia môn thi mới này, thí sinh sẽ phải trả lời 45 câu hỏi thuộc kiến thức chương trình THPT ở các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thời gian làm bài của thí sinh là 90 phút.

Phần tự chọn 2, thí sinh sẽ làm bài thi môn Tiếng Anh với thời gian là 60 phút, trả lời từ 60 đến 70 câu hỏi. Môn thi này chiếm 10 điểm trong tổng điểm bài thi đánh giá tư duy và thí sinh có thể quy đổi điểm từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS.

Về hình thức, để các thi sinh không bỡ ngỡ, bài thi đánh giá tư duy được thi trên giấy, các câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Riêng môn Toán có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của thí sinh.

 

THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC THI ĐÁNH GIÁ TƯ DUY

Kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến diễn ra trong một ngày, sau khi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại 4 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ. 

Dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 sẽ có nhiều điểm mới, có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Ngoài ra, Để thí sinh nắm vững cấu trúc, đánh giá mức độ đề thi và ôn tập, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến không cung cấp đề minh họa, mà tổ chức 2 đợt thi thử trên hệ thống trực tuyến. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị điều phối, chủ trì tổ chức hai buổi thi thử online trên hệ thống tổ chức thi (https://tsa.hust.edu.vn/dk) với cam kết mức độ khó, phân loại học sinh tương đương đề thi thật. Lịch thi thử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 và tháng 3/2022 để thí sinh làm quen với đề và có kế hoạch ôn tập./.

Trên đây là tổng hợp các thông tin mới nhất về kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2022, các bạn có thể tham gia vào cộng đồng 2k4 - Góc ôn thi DGNL & DGTD