MÌNH ĐÃ ĐẠT 9. ĐIỂM NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI NHƯ THẾ NÀO?
Mình là Ngô Thị Ngân, sinh viên năm 2 trường Đại học thương mại, hiện đang là admin học tập tại Ôn thi sinh viên. Bài viết dưới đây review môn học Nguyên lý kế toán và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình để đạt được điểm tổng kết 9./10 môn học này tại Đại học Thương mại.
1. Review môn Nguyên lý kế toán TMU
Đối với mình, môn nguyên lý kế toán là môn không quá nhiều dạng bài tập, bạn sẽ đạt kết quả tốt nếu chăm chỉ chú ý nghe giảng và làm bài tập. Các bạn không nên bỏ lại 1 chương hay mảng kiến thức nào vì các chương liên quan đến nhau, nếu bạn bỏ qua bạn sẽ khó tiếp thu những kiến thức khác.
Bài kiểm tra giữa kỳ
- Bài kiểm tra giữa kỳ sẽ tùy từng giảng viên, sẽ là bài trắc nghiệm hoặc tự luận.
- Bài kiểm tra giữa kỳ của mình thì là bài trắc nghiệm, có 20 câu trong thời gian 30 phút. Bài kiểm tra về các phần kiến thức như: định khoản, các câu hỏi liên quan đến các nguyên tắc kế toán, quan hệ đối ứng…
Bài thi kết thúc học phần
Hình thức trực tiếp:
- Bài thi gồm 3 câu, trong đó là 1 câu lý thuyết, 1 câu về bảng cân đối kế toán, 1 câu về định khoản và sơ đồ chữ T.
- Thời gian làm bài: 90 phút
- Bản thân mình thấy bài thi khá dài, bạn phải làm với tốc độ tương đối nhanh để kịp giờ. Để làm được điều này thì bạn phải nắm vững kiến thức và đặc biệt công việc mà gây mất nhiều thời gian nhất là nhớ số tài khoản nên bạn cần phải học và luyện nhiều bài tập để có 1 phản xạ tốt.
2. Kinh nghiệm học môn học này của bản thân mình?
Kinh nghiệm học môn này thì vẫn là chú ý nghe giảng và làm bài tập như mình nói ở trên, vì môn này có thể các bạn cũng đã biết thì dạng bài tập không nhiều, chăm chỉ làm bài tập sẽ làm tốt; Còn lý thuyết thì chăm chú nghe giảng, note lại ý chính, có sự ôn tập lại sau buổi học sẽ giúp bạn hiểu và nhớ lâu.
Các bạn cần bỏ thời gian ra để học trước và nhớ tài khoản trong “DANH MỤC HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP” (theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính). Việc này sẽ giúp bạn chủ động trong các dạng bài tập.
Vậy ôn tập thì lấy ở đâu để làm, đừng lo vì không những có đề cương ôn tập như những môn khác, môn này còn có quyển “Câu hỏi và bài tập NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN”. Ở Ôn thi sinh viên cũng đã cung cấp đáp án sách bài tập FREE cho các bạn trong khóa “TMU Nguyên lý kế toán”. Điều bạn cần chỉ là người có kinh nghiệm giúp bạn giải đáp thắc mắc trong ôn tập, có thể là giảng viên, đứa bạn “Pro” của bạn, hay các tiền bối khóa trước, …
💥Giải đáp FREE các câu hỏi về NGUYÊN LÝ KẾ TOÁN
💥Nhận gia sư 1-1 cấp tốc cho người mất gốc (online/offline)
💥Nhận booking giải bài tập về nhà, đề cương ôn tập , làm mẫu các đề thi (có đáp án và giải thích chi tiết)
📍 KHÔNG NHẬN THI HỘ - HỌC LÀ HIỂU BẢN CHẤT
3. Kinh nghiệm làm bài thi?
Mình làm bài thì hơi ngược tí, khi nhận được bài thi mình sẽ không làm câu lý thuyết trước mà làm từ câu 2 - câu bài tập. Vậy lý do nào mình làm như vậy?
-
Thứ nhất, bài tập của nguyên lý kế toán các ý có liên quan đến nhau nên nếu làm sai ý trên thì ý dưới cũng bị sai nên mình muốn tận dụng thời gian tỉnh táo lúc đầu để làm bài tập trước.
-
Thứ hai, tránh áp lực về thời gian. Vì thử hỏi nếu không may sắp hết giờ, với tâm thế vội vàng thì bạn có dám chắc làm bài được đúng không? Nhưng nếu làm câu lý thuyết lúc ấy thì sẽ có thể vì đó là phần mình nhớ chỉ cần viết ra thôi.
Nhưng không có nghĩa là cứ để câu lý thuyết vậy cho qua đâu nhé, vì nó cũng 3 điểm mà. Tuy làm câu bài tập trước nhưng mình vẫn sẽ gạch các ý lớn của câu lý thuyết ra nháp trước để khi quay lại mình không bị mất thời gian “chết” vào việc nghĩ phải làm gì và bởi theo mình thì thời gian đầu vẫn là thời gian tỉnh táo nhất nên chất lượng sẽ ok nhất.
Chú ý là cái gì gạch ra nháp thì đừng để mất quá nhiều thời gian nhé, không cần quá hoàn hảo đâu rõ ràng dễ nhìn để khi đưa vào bài làm không bị nhầm là được rồi.
4. Được 9. có khó không? Mình đã làm thế nào để đạt 9.
Theo mình là không khó nhé, “tấm chiếu mới” học môn này ngay khi vào trường như mình vẫn đạt được mà nên hãy cố lên nhé, bạn cũng có thể!
Kinh nghiệm học và làm bài thi thì mình đã nói ở trên nên mình tiếp tục với việc cần làm trước thi nhé. Để ôn thi môn này mình có một số công việc như sau:
-
Lấy đề cương ôn tập của trường vì nó là “ngọn hải đăng” giữa “biển kiến thức” giảng viên trao cho chúng ta. Kiến thức tiếp thu thì có thể nhiều nhưng ôn thi thì cần có nội dung chi tiết đúng không nào, đề cương của trường là căn cứ để các bạn ôn lý thuyết và để các bạn làm quen với dạng bài tập sẽ có trong đề thi. Thường những câu lý thuyết có trong đề thi sẽ là một trong số các câu trong đề cương.
-
Trước thi dù môn nào thì khi ôn lý thuyết mình sẽ luôn tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi trong đề cương để định hình được cách trả lời khi đi thi tránh mất thời gian lúc thi, đồng thời đây cũng là cách để đọc lại kiến thức có phương hướng.
-
Làm bài thi thì mình làm câu bài tập trước nhưng khi ôn thi thì mình sẽ xem lại lý thuyết trước vì hiểu đúng thì mới có thể làm bài đúng và có cách trình bày đúng. Bài tập thì không cần làm trong thời gian này quá nhiều vì lúc học đã ôn tập rồi mà thay vào đó cần làm chi tiết làm hoàn chỉnh xem có lỗi gì hay mắc phải không, VD định khoản sai, bảng cân đối kế toán không cân, …
------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là một số kinh nghiệm học tập môn Nguyên lý kế toán của mình tại Đại học Thương mại. Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây, chúc mọi người có một kỳ học thật nhiều may mắn để đạt học bổng TMU nhé!
--------------------------------------------------------------------------------
Các bạn có thể tham gia Group ôn thi, chia sẻ tài liệu và đề thi TMU để tham khảo tài liệu và đề thi khóa trước nhé.